Ở cái tuổi 24, tưởng chừng sự sống khép lại trong cảnh mù lòa, nhưng với nghị lực và ý chí, ông Nguyễn Thành Phương (50 tuổi) ở ấp 12, xã Hưng Lễ (Giồng Trôm) đã ngược dòng, vượt qua số phận ngoạn mục và trở thành tấm gương vượt khó điển hình.
Ông Phương giới thiệu sách chữ nổi.
Suốt đoạn đường đi, tôi không khỏi băn khoăn và hoài nghi với những thông tin về người đàn ông mù sắp gặp, nhưng đến nơi, tất cả đã vượt ra ngoài sự khâm phục. Ngôi nhà khang trang được hoàn thành năm 2007 như một minh chứng quãng thời gian lội ngược dòng của ông Phương.
Biến cố…
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, thuở nhỏ ông Phương khỏe mạnh, có đôi mắt sáng trong như bao người. Lớn lên, ông lấy vợ, sống hạnh phúc bên gia đình. Nhưng năm 1987, khi cậu con trai đầu lòng vừa tròn 2 tuổi, mắt ông có dấu hiệu đau nhức, mờ dần rồi không nhìn thấy gì. Dù chạy chữa nhiều nơi, từ Tây y đến Đông y nhưng kết quả không như mong đợi, ông Phương bắt đầu sống trong cảnh mù lòa. Khi biết mình không thể nhìn thấy ánh sáng, ông Phương không thể chấp nhận nhưng rồi theo thời gian, ông cũng phải đối mặt với bi đát của cuộc đời.
Không chịu khuất phục nghịch cảnh, ông Phương bắt đầu tập tành làm quen với cuộc sống trong bóng tối và ông quyết “tự cứu lấy mình”. Thời gian làm ông bình tĩnh hơn. Có lần nghe đài tuyên truyền về các tấm gương tàn mà không phế, ông lóe lên nhiều suy nghĩ, quyết tâm làm lại đời mình. Ông “trở lại” bắt đầu từ công việc làm lúa. Ông đi làm ban đêm vì sợ gặp người quen, ra tới đồng chỉ biết sờ soạng để thăm lúa qua sự cảm nhận và vận dụng kinh nghiệm đã có lúc sáng mắt. Tập tành riết rồi ông cũng làm được, không chỉ đi ruộng, gom lúa, bó lúa, làm cỏ mía mà còn mò cá, chăn vịt, bẻ dừa như người sáng mắt.
Dù đã cố gắng nhưng cái nghèo túng vẫn đeo đuổi gia đình ông. Bằng ý chí vượt lên tất cả nghiệt ngã của cuộc đời, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng lên bờ trồng mía. Nhưng hy vọng ấy sớm tắt trong lần từ chối của ngân hang, với lý do “không thấy đường làm gì có thể hoàn vốn”. Khi được lãnh đạo xã bảo lãnh, ông mới vay được tiền. Và từ đó, cuộc đời ông dần sang trang mới.
Ngược dòng thành gương sáng
Được sự hỗ trợ của vợ, sau thời gian dài tìm lại bản thân trong lao động, ông Phương thật sự khẳng định được mình với những gì còn lại. Từng ngày ông làm lụng việc nhà, chăm heo, nuôi gà, làm cỏ vườn, mà dành dụm có tiền nuôi con ăn học và một năm sau ông đã hoàn vốn cho ngân hàng. Ông tâm sự: “Nhớ ngày trả nợ ngân hàng, mấy cô bên ngân hàng kêu vay thêm, lòng tôi hé lên niềm vui nhỏ. Bao nỗ lực cũng có người tin tưởng”. Được hỏi về bí quyết của bản thân, ông Phương cho hay, tập tành cũng quen, tay chân như có mắt nên có thể làm được.
Ngoài thời gian làm việc gia đình, ông còn thường xuyên tham gia hoạt động của Hội Người mù trong huyện. Từ đó, ông tiếp cận được chữ nổi, biết đọc, biết viết và ghi nhận nội dung trong những lần sinh hoạt. Ông phấn khởi: Biết được chữ nổi, thấy cuộc đời mình phấn chấn, có ý nghĩa hẳn lên, có thể đọc sách mà không phiền đến vợ con. Từ đó, có thêm hiểu biết để vận dụng, góp sức cùng địa phương. Quyển sách chữ nổi đầu tiên ông tìm đọc là quyển học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.
Trò chuyện với ông, chúng tôi hết đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác. Ông Phương có tấm lòng sáng và am hiểu rất nhiều lĩnh vực. Ông chia sẻ: Mình sống đâu vị kỷ được, cùng nhau xây dựng quê hương là trách nhiệm của mỗi công dân. Với suy nghĩ đó, ông hăng hái trong công việc tập thể, tự nguyện xin làm Tổ phó tổ NDTQ (do điều kiện thiếu người). Từ đó, ông đứng ra tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được bà con ủng hộ nhiệt tình.
Con lộ đan dài hơn 1,5km vừa được thông xe là kết quả của sự tiên phong của ông Phương trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông Trương Văn Nguyền - Chủ tịch UBND xã Hưng Lễ, cho biết: Chú Phương là trường hợp hy hữu của địa phương. Tuy mắt không nhìn thấy nhưng chú sống nhiệt tình, hăng hái, luôn đi đầu, rất có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tấm gương của chú có ý nghĩa giáo dục, học tập lan rộng rất lớn. Từ khi chú lên làm Tổ phó Tổ NDTQ, Tổ có nhiều hoạt động tích cực, điển hình là việc vận động bà con xây dựng nông thôn mới.
Bằng đôi tay, đôi chân “có mắt”, ông Phương không những phát triển kinh tế gia đình ổn định mà còn trở thành tấm gương cho nhiều người tại địa phương noi theo. Vừa qua, ông được UBND tỉnh, Hội Người mù tặng bằng khen, giấy khen gương người mù vượt khó điển hình.
Nguồn: Báo Đồng Khởi