Triều cường phá vỡ một đoạn đê bao ở khu vực Tổ nhân dân tự quản số 15 (thuộc tuyến đê bao ven sông Hàm Luông, ấp 12, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm), gây ngập nước 20ha đất trồng dừa của hộ dân chưa được khắc phục thì tiếp tục làm vỡ đê bao ở khu vực Tổ nhân dân tự quản số 3, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Đoạn đê bị vỡ gây nhiều nguy hại cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Chính bức xúc: Từ khi tuyến đê bao định hình, hiệu quả đã được phát huy tối đa, ngăn được nước mặn và triều cường từ sông Hàm Luông tràn vào. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây dừa trồng thích nghi, phát triển xanh tươi, buồng dừa sai trái. Nhưng vừa qua, thủy triều dâng cao làm vỡ đê. Nước sông tràn vào chưa thoát ra kịp thì đến con nước lớn tiếp theo. Đoạn đê vỡ ngày càng nới rộng thêm, cây dừa không tránh khỏi rụng trái.
Ông Võ Văn Phúc - Trưởng ấp 12, xã Hưng Lễ cho biết, đoạn đê bao ở Tổ nhân dân tự quản số 3 nằm phía ngoài cống đập Sơn Đốc, thuộc Dự án thủy lợi Cầu Sập. Tuyến đê này đã gắn với tuyến đê cục bộ của ấp 12, không dừng lại ngăn mặn trữ ngọt cho gần 500 hộ dân, với diện tích đất 278ha ở ấp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các ấp còn lại của xã Hưng Lễ và xã Tân Hưng (Ba Tri). Nếu đoạn đê tiếp tục bị phá vỡ hết chiều dài 150m thì nước từ sông Hàm Luông tràn thẳng vào phía trong cống đập Sơn Đốc, gây ngập úng trên diện rộng. Theo ông Phúc, khi cống đập Sơn Đốc mới đưa vào vận hành, thì mặt đê rất rộng nhưng chưa được đầu tư bờ kè. Những lúc nước phía trong cống cao hơn ngoài cống thì tiến hành xả nước. Nước trong cống xả ra đập rất mạnh vào thân đê bao. Đê bao bị sạt lở dần. Mỗi lần sạt lở, địa phương lăn đê dần vào, bởi đoạn đê này còn là trục lộ giao thông của Bến phà Hưng Lễ - Phú Khánh (Thạnh Phú). Hàng ngày, người và phương tiện xe gắn máy lưu thông rất đông, kết hợp với lực của nước xả cống, sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng hơn. Phần diện tích đất Dự án thu hồi (có bồi thường) của hộ đã bị sạt lở hết. Nay đê lấn vào đến đất hộ dân đang sử dụng và tiếp tục sạt lở.
Theo ông Trương Văn Nguyền - Chủ tịch UBND xã Hưng Lễ, xã đã nhiều lần kiến nghị và được UBND huyện hỗ trợ kinh phí gia cố đoạn đê Tổ nhân dân tự quản số 3 nhưng do nguồn kinh phí khiêm tốn nên gia cố chỉ mang tính tạm thời, không đủ sức ngăn chặn sạt lở. Gần đây, chân đê bị bào mòn khá sâu, cừ tràm và bao đất (cát sông cho vào bao) không đủ sức khắc phục. Huyện cũng đã kiến nghị tỉnh đến khảo sát, dự toán kinh phí phải từ 200 triệu đồng trở lên mới gia cố vững chắc. Mới đây, xã tiếp tục kiến nghị. Nay đoạn đê không chỉ sạt lở mà đã vỡ ra đứt đoạn. Trước mắt thiệt hại trực tiếp đến các hộ dân của ấp 12 nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều xã nằm trong Dự án thủy lợi Cầu Sập. Ông Nguyền khẳng định: Đoạn đê bị vỡ đến lúc này xã “bó tay”, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh. Và sự hỗ trợ càng chậm trễ thì thiệt hại đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân có thể sẽ thêm trầm trọng hơn.
Nguồn: Báo Đồng Khởi